Giai đoạn từ 1-2 tuổi - Kinh nghiệm thực tế được đúc rút khi dạy con

dạy con ở giai đoạn từ 1-2 tuổi

Giai đoạn 1-2 tuổi là thời kỳ có nhiều biến đổi nhất và luôn là thách thức cho cha mẹ khi nuôi dạy con ở giai đoạn này. Con bạn đã qua thời kỳ ăn dặm, bé đã khá hình thành tính cách tự lập. Tuy nhiên các mẹ Việt Nam với tính quá nuông chiều con, đặc biệt không dứt khoát, và thiếu kiên nhẫn nên ở giai đoạn này đôi khi gặp khó khăn với việc áp dụng phương pháp giáo dục từ 1-2 tuổi.

Bạn cần nghiêm khắc và dứt khoát trong một số trường hợp khi con nghịch những trò chơi nguy hiểm như: ổ điện, quạt điện…

Đặc biệt các bà mẹ Việt Nam hãy học các bà mẹ Pháp cách dùng từ “không” với con trẻ. Bạn hãy nhìn vào mắt con và nói thật dứt khoát từ” không” khi trẻ làm sai một số nguyên tắc hay ương bướng, nó sẽ tạo hiệu quả khá bất ngờ hơn bạn tưởng tượng.

Tính kiên nhẫn thì chúng ta phải học các bà mẹ Nhật, giai đoạn này lúc nào con bạn cũng muốn thử tất cả. Các mẹ hãy bình tĩnh quan sát, đừng vội vã ngăn cản hay mắng con. Nói lý thuyết thì rất dễ, nhưng khi chúng ta vào hoàn cảnh thực tế, cuộc sống đang rất nhiều lo toan, con chỉ cần nghịch hay làm đổ vỡ có lẽ các bà mẹ sẽ ra sức quát mắng hoặc thậm chí là đánh. Nhưng chúng ta phải sửa những điểm yếu đó, vì nó sẽ là yếu tố then chốt trong suốt thời kỳ của con để các mẹ có thể làm bạn, chia sẻ và chơi cùng con cũng như hiểu được tiềm năng của từng đứa trẻ. Kinh nghiệm là bạn hãy đưa ra cho mình nguyên tắc là suy nghĩ 30 giây trước khi định phản ứng bất kỳ điều gì với con trẻ. Và khi đó chắc chắn bạn sẽ nhớ tới đã từng đọc lời nhắc nhở này.

Có một câu chuyện như thế này: Một bà mẹ Nhật có một đứa con rất nghịch và đánh nhau với bạn, những người mẹ Nhật đó đã không đánh mắng con ngay trước mặt mọi người, mà nắm tay con thật chặt để con bình tĩnh qua lúc hoảng loạn đó.

Tính nuông chiều con có lẽ là phổ biến ở phụ nữ Việt Nam chúng ta, chẳng thế mà người Việt Nam mấy có câu: “Con hư tại mẹ, cháu hư tại bà”. Câu đó có lẽ xuất phát từ đức tính nuông chiều con cái của chúng ta, và chúng ta cần phải sửa bắt đầu ngay khi con còn nhỏ. Ví dụ từ việc mua đồ chơi, quần áo, đồ ăn… cho con. Các bà mẹ Pháp mua rất ít đồ chơi vì muốn con tăng khả năng sáng tạo, và ngoài ra cần học kỹ năng sống từ môi trường xung quanh. Mẹ Việt Nam thì thường muốn con ăn những gì thật đắt tiền, mặc những gì thật sành điệu, nhưng điều này với con trẻ thật lãng phí. Có lẽ nếu con trẻ có thể nói lưu loát được sẽ yêu cầu mẹ chơi với con nhiều hơn thay vì mua nhiều đồ cho con.

Và sau này khi con 2 tuổi, khi bạn đọc phương pháp Montessori và áp dụng sẽ thấy những nguyên tắc trên vẫn luôn quan trọng trong quá trình nuôi dưỡng trẻ. Mong các mẹ vững tâm để thay đổi từ chính mình!

nguồn: Dạy con kiểu Nhật