Trẻ học được gì qua phương pháp montessori?

1. Định hình nhân cách cho trẻ khi trưởng thành
- Hợp tác, tôn trọng và kiên nhẫn:

Mỗi một giáo cụ trong lớp Montessori thường chỉ được trang bị duy nhất một bộ. Điều này sẽ hình thành nên những tính cách tuyệt vời ở trẻ từ rất nhỏ. Cụ thể, khi một loại giáo cụ đã được một bạn học sinh khác đang làm việc, những bạn còn lại phải kiên nhẫn chờ đợi bạn này làm việc xong và đưa giáo cụ về vị trí cũ trên kệ, mới tới lượt của mình sử dụng. Việc này được lặp đi lặp lại nhiều lần trong ngày, sẽ hình thành nên thói quen biết chờ đợi của trẻ. Lâu dần trẻ sẽ trở nên kiên nhẫn hơn và biết tôn trọng người khác hơn. Trong trường hợp bé muốn cùng làm việc với bạn đang sử dụng giáo cụ, trẻ sẽ “đàm phán” với bạn ấy cho phép được làm việc cùng. Nếu trẻ này đồng ý thì cả hai sẽ cùng nhau khám phá giáo cụ ấy.


Lớp học Montessori bao gồm những học sinh được trộn các độ tuổi trong phạm vi 3, ví dụ lớp trẻ từ 0 – 3 tuổi; lớp học từ 3 – 6 tuổi. Những trẻ lớn có thể dạy trẻ nhỏ những bài học mà chúng đã từng học. Trải nghiệm của người hướng dẫn sẽ truyền cảm hứng giúp trẻ hiểu sâu và chi tiết các kiến thức, tư duy đã từng được hướng dẫn, đây là đỉnh cao trong thang Bloom. Riêng trẻ nhỏ thì cảm thấy mình được hỗ trợ từ các anh chị lớn nên sẽ có cảm giác an toàn và thích thú với môi trường học tập này hơn. Từ đây sẽ tạo nên những mối liên kết sâu sắc giữa các trẻ trong lớp với nhau, trẻ sẽ thương yêu nhau hơn, biết cách hợp tác với nhau nhiều hơn.


- Tự kỷ luật bản thân: 

Mặc dù trong lớp học Montessori cho phép trẻ tự do lựa chọn những hoạt động mà trẻ muốn làm việc và kéo dài trong bao lâu cũng được, nhưng luôn có những qui định mà cả lớp phải tuân theo. Ví dụ: phạm vi trải thảm của một bạn nào đó đang làm việc là khuôn viên mà những trẻ khác không được phép đi vào; hoặc trẻ không được phép tranh giành giáo cụ của bất cứ bạn nào khi bạn ấy đang làm việc; hoặc trẻ phải biết chờ đợi giáo viên hướng dẫn khi giáo viên này đang hướng dẫn một trẻ khác... 

Môi trường làm việc như vậy đã dạy cho trẻ một cách rất tự nhiên khả năng tự kỷ luật bản thân mình. Và chính khả năng ấy đã giúp trẻ hình thành những kỹ năng quan trọng khác như tập trung, tự kiểm soát bản thân và tự tạo động lực bản thân. 



- Tính trật tự:

Trong lớp học Montessori, tất cả các vật dụng và giáo cụ đều được sắp xếp ngăn nắp, gọn gàng trên kệ. Khi trẻ hoàn tất công việc của mình, trẻ có nhiệm vụ đặt lại các giáo cụ đang sử dụng lên trên kệ đúng vị trí đã được đặt để lúc đầu.


Hành vi này được lặp đi lặp lại thường xuyên mỗi ngày giúp cho trẻ có tính trật tự và ý thức tự kỷ luật rất cao. Điều này đáp ứng nhu cầu trật tự đang xuất hiện bên trong của trẻ trong giai đoạn này. Và trẻ cảm thấy rất hạnh phúc khi thực hiện dọn dẹp giáo cụ mỗi ngày. 


- Sáng tạo:

Trẻ trong lớp học Montessori được phép tự do chọn lựa những hoạt động và làm việc mà trẻ đang khao khát khám phá theo cách riêng của chúng. Sự sáng tạo trong lớp học luôn được khuyến khích. Trẻ thực hiện nhiệm vụ của mình trong tâm trạng rất phấn khởi và hạnh phúc, tập trung vào tiến trình của quá trình làm việc hơn là kết quả - Và đây chính là con đường tự nhiên dẫn đến sự sáng tạo.

Việc trẻ được học các nền văn hóa đa dạng khác nhau cũng khuyến khích trẻ mở rộng khả năng suy nghĩ về thế giới bên ngoài và hình thành những khái niệm riêng của trẻ theo những hướng đa dạng khác nhau. 


- Tập trung:

Khi trẻ được đáp ứng những khao khát nội tại bên trong, trẻ sẽ có khả năng tập trung rất cao để hoàn thành những công việc mà trẻ đã lựa chọn. Có những hoạt động trẻ ngồi làm việc một mình kéo dài từ 2 giờ đến 3 giờ mà không hề bị gián đoạn, hoặc được lặp lại nhiều lần trong ngày trong vòng hơn 2 tuần.

- Độc lập, tự tin:

Khi trẻ làm được những công việc bên trong hoặc ngoài lớp học một mình mà không có sự giúp sức của người lớn, trẻ sẽ trở nên tự tin và ngày càng thuần thục hơn. Đây là những yếu tố quan trọng để trẻ trở thành một con người độc lập trong tương lai. 



Tất cả những người làm Cha, làm Mẹ đều mong muốn những thiên thần bé nhỏ của mình đều có những tính cách tuyệt vời khi chúng trưởng thành. Hãy cùng Aiko Montessori xây dựng nền móng vững chắc cho bé ngay trong giai đoạn vàng này nhé.

2. Trẻ cảm nhận hạnh phúc thật sự vì được tự do lựa chọn những hoạt động trẻ khao khát muốn tìm hiểu trong giới hạn cho phép
Theo Bà Montessori, mỗi cá thể trẻ từ 0 - 6 tuổi luôn có một người thầy nội tại bên trong. Chỉ có người thầy này nói cho trẻ biết trẻ cần phải học gì trong giây phút hiện tại này.

3. Tự sửa sai và tự đánh giá là một phần không thể thiếu trong hệ thống bài học của Montessori
Khi trẻ trưởng thành, những kỹ năng này sẽ giúp trẻ nhìn sự việc một cách rất nghiêm túc, chúng trở thành những chuyên gia trong việc nhận thức, sửa sai và biết cách học hỏi từ những sai lầm của bản thân. Đó là những con người rất bản lĩnh nhận lỗi sai về mình, không chạy trốn và đổ lỗi cho người khác.

4. Trẻ trở thành một con người tử tế và lịch sự
Trẻ sẽ được hướng dẫn cách ứng xử lịch sự trong mọi hoạt động, cách không làm phiền người khác khi người ấy đang làm việc, cách xin phép.

5. Giúp trẻ phát triển não bộ tối đa và toàn diện thông qua hơn 200 giáo cụ cho 5 góc học tập riêng biệt
Trẻ không thích chơi như người lớn vẫn nghĩ, mà trẻ rất hứng thú làm những việc có ích. Trong gia đoạn từ 3-6 tuổi, trẻ càng làm việc nhiều, sự kết nối các nơron thần kinh càng trở nên mạnh mẽ. Điều này giúp não bộ của trẻ phát triển tối ưu. Do vậy trong giai đoạn này sự can thiệp của người lớn quá nhiều vào quá trình chăm sóc sẽ làm cản trở sự phát triển não bộ bên trong trẻ. Trẻ cần hoạt động và làm việc có mục tiêu. Và theo Bà Montessori, người lớn chúng ta nên “TRAO THẾ GIỚI CHO TRẺ”.

Tại Aiko Montessori, chúng tôi luôn cố gắng “BÌNH THƯỜNG HÓA” mọi đứa trẻ, đồng thời mang đến một môi trường được chuẩn bị chu đáo về mọi mặt, an toàn và đầy cảm hứng để trẻ có thể tự do khám phá và phát triển một cách tự nhiên nhất.

Để hiểu hơn về phương pháp Montessori và cách áp dụng phương pháp Montessori này tại nhà. Trường Aiko Montessori kình mời quí phụ huynh liên hệ đặt lịch đến tham quan và đăng ký nhập học cho con tại địa chỉ: 150 Biên Hòa, Tp. Phủ Lý, Hà Nam.

Điện thoại liên hệ: (+84)226 3558 666 – Hotline: (+84)122 825 5678
Hoặc truy cập fanpage: https://www.facebook.com/aikoschool.edu/ để biết thêm chi tiết.

(T/h)