QUAN SÁT &THEO DÕI CON


Làm cha mẹ, chúng ta thường có cảm giác phải sai bảo con làm thế này thế kia, nhưng Montessori tin rằng ngược lại, ta nên dõi theo con.

Bạn dành bao nhiêu thời gian để quan sát con? Ý tôi không phải là quan sát kiểu nửa vời trong lúc bạn đang mải làm việc khác.Tôi muốn nói là tập trung toàn bọ sự chú ý của bạn vào con trong một khoảng thời gian tương đối dài. Để bắt đầu áp dụng các nguyên tắc của Montessori trong gia đình bạn, không có cách nào tốt hơn là ngồi xuống và quan sát xem con nhìn đi đâu, con nói gì, con làm gì. Trẻ nhỏ có thể cho ta biết nhiều điều về các nhu cầu và mối quan tâm của chúng nếu ta chịu dành thời gian chú ý.

QUAN SÁT NHƯ THẾ NÀO?
Có thể bạn sẽ thấy cần một cuốn sổ tay hoặc nhật ký để ghi chép và lưu lại những điều mình quan sát được. Hãy đều đặn dành chút thời gian quan sát con. Chọn chỗ ngồi thuận tiện ở gần con để dễ dàng nghe và nhìn thấy con cùng các trẻ khác mà con chơi chung. Ghi chép tất cả những gì bạn thấy – các ghi chép này sẽ dần tích lũy thành một bản mô tả thú vị về hành vi của con ở các độ tuổi khác nhau, cũng như giúp bạn nhận ra một kiểu hành vi mới xuất hiện vào một thời điểm nhất định. Hãy cố diễn giải ý nghĩa của những hành vi ấy. Khi bạn nhận thấy con tỏ ra hứng thú với một điều mới, hãy nghĩ cách cho con làm quen với những hoạt động mới để có thể nuôi dưỡng và tăng cường niềm hứng thú này.

QUAN SÁT GÌ?
Nên nhớ rằng điều duy nhất mà bạn luôn biết chắc về trẻ nhỏ là: khi trẻ lớn dần theo thời gian thì sở thích, niềm hứng thú và khả năng của trẻ luôn biến đổi theo những chiều hướng bất ngờ. Mỗi khi quan sát con, bạn hãy cố quên những kinh nghiệm và hiểu biết đã thu được trước đó và tập trung vào những gì đang thực sự diễn ra trong hiện tại.

Khi con chơi, hãy chú ý xem con chọn những đồ chơi nào. Con dùng những đồ chơi đó như thế nào? Con thường chơi một mình hay với bạn khác? Bạn có nhận thấy điều gì lặp lại nhiều lần? Có phòng nào trong nhà mà con đặc biệt thích? Điều gì trong căn phòng đó hấp dẫn con?

Trong lúc quan sát, hãy nghĩ kĩ trước khi bạn can thiệp vào bất cứ việc gì con đang làm. Mục đích của bạn là học từ những gì con làm, chứ không phải hơi một tí lại nhảy vào uốn nắn con.

THỜI ĐIỂM NÀO?
Chẳng lẽ không bao giờ có thời điểm cho lời khuyên sao?

Sau khi con bạn đã “ được lắng nghe thấu đáo”, bạn có thể thận trọng hỏi lại rằng, “ Con cảm thấy như thế nào về…?”, “Con thử nghĩ xem thế này… có ích gì không?”, “Làm như vậy… con thấy thế nào?”, “Con nghĩ chuyện gì sẽ xảy ra nếu như…?”. Bằng cách đưa ra những giải pháp đề nghị của bạn, tức là bạn đã khiến trẻ chịu nghe những ý kiến của bạn và nó sẽ cân nhắc những ý kiến ấy.

Tôi phải làm thế nào khi con tôi nhất định không chịu thổ lộ với tôi những gì nó đang cảm thấy buồn bực?

Là người lớn chúng ta cũng có những cảm xúc mà mình không hề muốn – có khi là mãi mãi – bày tỏ hay tâm sự với người khác. Có người trong chúng ta thích một mình nếm trải nỗi đau, nỗi buồn phiền, những uất ức, những nỗi xấu hổ hơn. Trẻ em cũng chẳng khác gì người lớn. Chúng cũng phát đi những tín hiệu rõ ràng khi chúng muốn ở một mình để tự chăm sóc vết thương lòng. Thậm trí khi đã nghe câu nói đầy thông cảm kiểu như, “ Hôm nay có chuyện gì hay sao ấy!” chúng vẫn quay mặt đi, hoặc bỏ ra khỏi phòng hoặc nói thẳng với bạn, “Con không muốn nói về việc đó đâu!” Tất cả những gì bạn có thể làm là hãy cho chúng biết rằng, bạn luôn sẵn sàng ở bên chúng, nếu chúng đổi ý và muốn tâm sự.